Bối cảnh Kinh Thánh Tiếng Việt (1926)

Alexandre de Rhodes.

Sau khi đặt chân đến Việt Nam, vì nhu cầu học hỏi tiếng Việt (lúc đó còn dùng chữ Hánchữ Nôm) để giao tiếp với người bản xứ, các nhà truyền giáo phương Tây đã ghi lại bằng cách phiên âm tiếng Việt dưới dạng chữ La-tinh.[2] Gaspard de Amaral với Từ Vựng Việt Nam - Bồ Đào Nha, và Antoine de Barbosa với Từ Vựng Bồ Đào Nha – Việt Nam đã góp sức hoàn chỉnh lối chữ viết này.[3] Nhưng nhà truyền giáo người Pháp Alexandre de Rhodes được xem là người có công trong nỗ lực định chế chữ quốc ngữ qua cuốn tự điển phiên âm Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum do ông soạn và ấn hành năm 1651.[4]

Tuy nhiên, gần 250 năm sau phát minh chữ quốc ngữ, Giáo hội Công giáo mới phát hành những phần Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng Việt, và trong gần 100 năm kế tiếp Giáo hội cũng chỉ cho phổ biến giới hạn trong vòng hàng giáo phẩm các bản dịch Kinh Thánh Việt ngữ, vì một số lý do.[5][6]

Ngược lại, cộng đồng Kháng Cách với niềm xác tín được thể hiện qua tín lý Sola scriptura, "Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa, là thẩm quyền và sự mặc khải duy nhất đến từ Thiên Chúa được ban cho mọi người (nghĩa là mọi người có thể hiểu và tự giải thích Kinh Thánh)", đã xem việc phổ biến Kinh Thánh là nhân tố quyết định trong nỗ lực truyền bá phúc âm, thành lập các giáo đoàn, và gây dựng đời sống tâm linh cho tín hữu.[7]

Chỉ 5 năm sau khi Tin Lành truyền bá đến Việt Nam, năm 1916, những nhà lãnh đạo Tin Lành đã khởi sự dịch thuật toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Việt. Đến năm 1926, cộng đồng Tin Lành tại Việt Nam đã có bộ Kinh Thánh đầu tiên bằng ngôn ngữ của mình.[8]

Các dấu mốc

Giáo hội Công giáo xuất bản sách giáo nghi, trong đó có một số sách Phúc âm, phát hành tại Bangkok, Thái Lan năm 1872.

Jean Bonnet thuộc Trường Ngôn ngữ Đông phương Paris dịch Phúc âm Lu-ca sang tiếng Việt dựa trên bản Kinh Thánh Pháp ngữ Ostevald, và được Thánh Kinh Hội Anh Quốc xuất bản tại Paris năm 1890, đến năm 1898, được tái bản lần đầu tiên.

Thánh Kinh Hội Anh Quốc phát hành Phúc âm Mác năm 1899, Phúc âm Giăng năm 1900, và Công vụ các Sứ đồ năm 1903.

Năm 1913, P.M. Hosler thuộc Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp dịch lại Phúc âm Mác ra chữ Nôm, và xuất bản tại Quảng Tây, Trung Hoa.

Năm 1913-14, Giáo hội Công giáo xuất bản Thánh Kinh Cựu Ước song ngữ với bản Vulgata, và bản Tân Ước in song ngữ Việt – La-tinh theo bản Vulgata (năm 1916) do Albert Schlicklin (Cố Chính Linh) thực hiện, và được phát hành tại Hong Kong.

Năm 1925, Giáo hội Công giáo cho xuất bản cuốn Các sách Phúc âm của Marcos Gispert-Forcadell.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kinh Thánh Tiếng Việt (1926) http://www.orchidbooks.com/book_reviews/port_pione... http://www.viet-studies.info/Phankhoi/PKhoi_ThanhK... http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=1... http://www.nationalcatholicreporter.org/todaystake... http://www.thuvientinlanh.org/qua-trinh-phien-d%E1... http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/162/0/3... http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1... http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2...